Kiến thức Y khoa

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ LÀM LUPUS ĐỎ DẠNG ĐĨA TIẾN TRIỂN THÀNH LUPUS ĐỎ HỆ THỐNG NẶNG

07-08-2023 19:00:00
Copy to clipboard
Lupus ban đỏ (LE) là một bệnh tự miễn. Bệnh biểu hiện khu trú ở da gọi là lupus ban đỏ da (CLE), gây tổn thương nhiều cơ quan khác gọi là lupus ban đỏ hệ thống (SLE). Trong số các thể lâm sàng CLE, lupus ban đỏ dạng đĩa (DLE) thường gặp nhất. Tại thời điểm chẩn đoán, phần lớn bệnh nhân DLE không có biểu hiện SLE đi kèm. Trong khi đó, một số trường hợp tiến triển SLE thứ phát theo thời gian.

 

Theo một tổng quan y văn hệ thống, nguy cơ tiến triển từ DLE sang SLE dao động từ 6% đến 21% [1]. Tổn thương DLE lan rộng, đau khớp, thay đổi móng, thiếu máu, giảm bạch cầu, tốc độ lắng máu tăng và hiệu giá kháng thể kháng nhân (ANA) cao được xác định là các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn cho sự tiến triển từ DLE thành SLE [1]. Tuy nhiên, chưa có phân tích thống kê nào được thực hiện. Xuất phát từ thực tế trên, một bài báo mới vừa được đăng trên trên tạp chí da liễu Hoa Kì vào tháng 3 năm 2023 với tựa đề “Các yếu tố nguy cơ tiến triển từ lupus dạng đĩa sang lupus ban đỏ hệ thống nặng: một nghiên cứu đoàn hệ trên 164 bệnh nhân” đã làm sáng tỏ vấn đề này [2].

Mục tiêu nghiên cứu là nhằm xác định các yếu tố nguy cơ và xây dựng thang điểm dự đoán tiến triển bệnh lupus ban đỏ hệ thống mức độ nặng (sSLE) ở những bệnh nhân DLE đơn độc hoặc DLE biểu hiện SLE “nhẹ” (giảm bạch cầu, C3 hoặc C4 thấp, kháng thể kháng dsDNA, kháng Sm dương tính). Mẫu nghiên cứu bao gồm các bệnh nhân DLE được chẩn đoán xác định bằng giải phẫu bệnh tại 3 khoa Da liễu và 2 khoa Nội thuộc bệnh viện đại học Pháp trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021. Chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống theo phân loại ACR/EULAR 2019 (ngưỡng cắt từ 10 điểm) mức độ nặng khi bệnh nhân cần phải nhập viện (xuất hiện một trong số các đặc điểm như sốt, viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, viêm thận lupus, biểu hiện bệnh tâm thần kinh, tán huyết tự miễn, giảm tiểu cầu tự miễn) và được điều trị đặc hiệu (corticosteroid toàn thân liều 0,5 mg/kg, thuốc ức chế miễn dịch).

Kết quả nghiên cứu cho thấy 30 trong số 164 bệnh nhân DLE tiến triển thành sSLE. Phân tích đa biến bao gồm 12 biến, độ tuổi < 25 tuổi tại thời điểm chẩn đoán DLE (OR = 2,8; KTC 95%, 1,1-7,0; 1 điểm), típ da V -VI theo Fitzpatrick (OR =  2,7; KTC 95% , 1,1-7,0; 1 điểm) và hiệu giá kháng thể kháng nhân ≥ 320 (OR = 15; 95% CI, 3,3-67,3; 5 điểm) là 3 yếu tố chính được chọn xây dựng thang điểm đánh giá nguy cơ từ DLE tiến triển thành sSLE. 0 điểm tương đương không có nguy cơ tiến triển sSLE, trong khi 6 điểm tương đương nguy cơ tiến triển sSLE. Điểm số áp dụng tương tự  đối với DLE đơn độc và DLE biểu hiện SLE “nhẹ”. Thực tế trong nghiên cứu, 54 bệnh nhân DLE có điểm ban đầu là 0, không có bệnh nhân nào tiến triển thành sSLE, trong khi  bệnh nhân có tổng điểm ≥ 6 nguy cơ bệnh tiến triển khoảng 40%.

Thang điểm này có giá trị tiên đoán âm (NPV) cao cho phép bác sĩ lâm sàng trấn an bệnh nhân DLE có điểm số là 1, ngay cả khi bệnh nhân đáp ứng tiêu chí chẩn đoán bệnh SLE của  ACR/EULAR 2019. Thật vậy, 78 bệnh nhân mắc DLE trong nghiên cứu đáp ứng tiêu chí phân loại ACR 2019 cho SLE, nhưng hơn 2/3 trường hợp chưa bao giờ phát triển các triệu chứng của sSLE, với thời gian theo dõi trung bình 14 năm. Hơn nữa, bệnh nhân DLE với tổng điểm ≥ 6 cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu cụ thể. Cuối cùng, thiết kế nghiên cứu hồi cứu, cỡ mấu nhỏ là những điểm hạn chế của nghiên cứu này. Do đó, cần phải thẩm định thang điểm này trong một nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu mới, cỡ mẫu lớn hơn nhằm xác thực tiềm năng sử dụng thực tế.

Tài liệu tham khảo

1. Chong, B. F., Song, J., & Olsen, N. J. (2012). Determining risk factors for developing systemic lupus erythematosus in patients with discoid lupus erythematosus. British Journal of Dermatology, 166(1), 29-35.

2. Fredeau, L., Courvoisier, D. S., Mehdi, R. A., Ingen-Housz-Oro, S., Mahe, E., Costedoat-Chalumeau, N., ... & EMSED study group. (2023). Risk factors of progression from discoid lupus to severe systemic lupus erythematosus: a registry-based cohort study of 164 patients. Journal of the American Academy of Dermatology, 88(3), 551-559.

 

cac-yeu-to-nguy-co-lam-lupus-do-dang-dia-tien-trien-bs-cong-ly-bvdl

 

-------------------

Bệnh viện Da Liễu - số 2 Nguyễn Thông, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.

Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638

Website: bvdl.org.vn

Thời gian khám bệnh của bệnh viện:

  • Từ thứ hai đến thứ sáu: Từ 6g00 đến 18g30 (KHÔNG NGHỈ TRƯA)

  • Thứ bảy: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 18g30

  • Chủ Nhật: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 15g00
  • Ngày Lễ, Tết: NGHỈ

Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng Bệnh viện Da Liễu TPHCM - Đăng ký Khám bệnh Online (App Store, Google Play)

Để xem được nhiều nội dung Truyền thông giáo dục sức khỏe về da liễu, hãy truy cập kênh Youtube của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM: https://www.youtube.com/channel/UCt4M5jArf_1Pf5CNWRYOGag

 

ĐỌC THÊM

TIN MỚI

02-09-2024 13:00:00
Trong quá trình thực hành lâm sàng hằng ngày, các bác sĩ thường xuyên tiếp cận các trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh da hiếm gặp. Việc chẩn đoán và điều trị những trường hợp này gặp nhiều vấn đề khó khăn.
26-08-2024 18:30:00
Lupus ban đỏ hệ thống bóng nước (BSLE) là một bệnh lý tự miễn hiếm gặp. Phần lớn bệnh nhân xuất hiện sang thương bóng nước cấp tính trên nền bệnh cảnh lupus ban đỏ hệ thống đã được chẩn đoán trước đó. Bệnh sinh do sự phân tách dưới thượng bì thứ phát bởi kháng thể kháng collagen type VII – thành phần chính cấu tạo nên sợi neo ở màng đáy.
19-08-2024 11:00:00
CDC Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng Doxycycline 200mg như một biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) để ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn như giang mai, chlamydia và lậu.
09-08-2024 10:00:00
BS.CKI Phạm Nhật Nguyên – Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TPHCM đã báo cáo chủ đề “Giun sán trong da liễu: tiếp cận theo hội chứng da”
19-07-2024 10:45:00
Ths.Bs Phạm Thị Uyển Nhi – Phó Trưởng phòng Điều hành Phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng đơn vị nghiên cứu lâm sàng Bệnh viện Da Liễu TPHCM đã hướng dẫn cách đánh giá một tạp chí khoa học uy tín.
13-07-2024 08:00:00
Sau đại dịch Covid 19, số lượng bệnh nhân rụng tóc gia tăng lên một cách đáng kể. Rụng tóc là một bệnh lý da liễu tuy thường gặp nhưng việc điều trị vẫn còn nhiều thách thức.
05-07-2024 14:00:00
Dày sừng lòng bàn tay, chân do nước là một hiện tượng rất hiếm gặp, đặc trưng bởi sự xuất hiện các sẩn, mảng sẩn dày sừng, màu trắng ở bàn tay (hiếm khi ở bàn chân) sau khi tiếp xúc với nước.
028.3930.8183
(trong giờ hành chính)
0975.609.166
(trong giờ hành chính)
bvdl.daotaolientuc@gmail.com

Đánh giá nội dung

OK
image doctor