Bệnh ngoài da

BỖNG DƯNG NGỨA KHẮP NGƯỜI, LÀM SAO BIẾT NGUYÊN NHÂN?

08-04-2024 19:00:00
|
Đánh giá
Copy to clipboard
Tư vấn chuyên môn bài viết
Đoàn Văn Lợi Em
Xem hồ sơ
Không ít người bỗng dưng ngứa khắp người, càng gãi hoặc tiếp xúc với nước lại càng ngứa, sau đó nổi nhiều mảng sẩn lớn nhỏ. Nhiều người không hiểu tại sao mình lại rơi vào tình huống này để tránh?

 

Điển hình như chị M.X. (29 tuổi) bị ngứa khắp người, đặc biệt ở hai đùi. Đây là lần đầu tiên chị M. bị ngứa như vậy và tình trạng này khiến chị không ngủ được, phải thức gần như cả đêm gãi. Đến sáng, những vị trí da gãi nổi sần mảng lớn, kèm sưng môi.

Chị M. liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến cơ thể bị ngứa như: dị ứng lông mèo, ăn hải sản, thời tiết...., nhưng không biết chính xác nguyên nhân nào để phòng tránh ngứa tái phát.

Bác sĩ CKII Đoàn Văn Lợi Em - Trưởng khoa Lâm sàng 3 Bệnh viện Da Liễu TP.HCM - cho hay ngứa là một triệu chứng thường gặp nhất, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, khiến bệnh nhân phải đi khám chuyên khoa da liễu. 

Có nhiều nguyên nhân gây ngứa, ví dụ như do các bệnh lý da liễu, bệnh lý hệ thống, bệnh lý tâm thần kinh, ngứa do thuốc… Ngoài ra, một số trường hợp ngứa kéo dài nhưng không thể tìm thấy nguyên nhân.

Theo mô tả của chị M.X., tình trạng ngứa phù hợp với bệnh lý mày đay.

Tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, mày đay là một trong 10 bệnh lý thường gặp nhất.

Bác sĩ Lợi Em thông tin mày đay là tình trạng phát ban da gây ngứa do phản ứng dị ứng, với biểu hiện các sẩn phù hồng với trung tâm nhạt màu trên bề mặt da.

Các sẩn phù có kích thước đa dạng từ vài mm đến vài cm và có hình dạng không đồng nhất, giống vết côn trùng đốt. Một vài trường hợp mày đay có biểu hiện đi kèm với phù mạch như phù môi, phù mắt…

Các sẩn phù thường xuất hiện đột ngột, nhanh chóng và từng sẩn phù thường không tồn tại qua 24 giờ. Tuy nhiên, bệnh mày đay cũng có thể cần phải phân biệt với một số bệnh lý khác, nên bệnh nhân cần đi khám bác sĩ da liễu để xác định tình trạng bệnh chính xác nhất.

Đối với tình trạng mày đay cấp (mày đay xuất hiện không kéo dài trên 6 tuần), theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh mày đay cấp trong đời là khoảng 20%, vì vậy bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bệnh lý này.

Nguyên nhân gây ra mày đay cấp thường gặp nhất là do dị ứng với thức ăn, thuốc, mỹ phẩm, hoặc xà phòng, tình trạng nhiễm trùng, côn trùng cắn, tiếp xúc với các yếu tố môi trường. 

Một số trường hợp có thể khởi phát mày đay do tiếp xúc lạnh hoặc nóng, hoặc khi đè ép hoặc vận động… Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp khởi phát mày đay không tìm thấy nguyên nhân.

Nếu mày đay chỉ xuất hiện khu trú tại một vị trí, nên xem xét các yếu tố tiếp xúc tại chỗ như xà phòng, hóa chất, vật lý. Nếu mày đay là do dị ứng, sẽ có mối liên hệ giữa việc dùng thuốc hoặc thức ăn và phát ban sẽ bắt đầu sau 1-2 giờ. 

Một số trường hợp dị ứng nặng có thể biến chứng thành sốc phản vệ gây nguy hiểm tính mạng.

Theo khuyến cáo điều trị mày đay của châu Âu, các trường hợp mày đay cấp không cần làm xét nghiệm tầm soát nguyên nhân. 

Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ dị ứng thức ăn hoặc dị ứng thuốc, có thể thực hiện các xét nghiệm dị ứng tìm nguyên nhân.

Mày đay mạn nguyên phát là trường hợp mày đay xuất hiện kéo dài trên 6 tuần. Đây là một bệnh lý gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và đem lại gánh nặng bệnh tật đáng kể. 

Mày đay mạn tính có thể liên quan tới các bệnh lý hệ thống và cần tìm kiếm nguyên nhân.

Theo khuyến cáo, các trường hợp mày đay mạn tính nên được xét nghiệm một cách thường quy bao gồm công thức máu, tốc độ máu lắng, proterin phản ứng - C, kháng thể kháng giáp và xét nghiệm IgE.

Ngoài ra, có thể xét nghiệm thêm một số tình trạng nhiễm trùng và ký sinh trùng. Tuy nhiên, một điều cần nhấn mạnh là có tới 50% trường hợp không thể tìm thấy chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lý mày đay.

Khi có biểu hiện ngứa bất thường, bệnh nhân nên đi khám sớm để xác định, theo dõi tình trạng bệnh và điều trị chính xác. Một số trường hợp sẽ được các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm để phục vụ việc chẩn đoán và tìm nguyên nhân gây bệnh khi cần thiết.

Nguồn: https://tuoitre.vn/bong-dung-ngua-khap-nguoi-lam-sao-biet-nguyen-nhan-20240108222303099.htm

 

bvdl-diem-bao-nguyen-nhan-bong-dung-ngua-khap-nguoi-bs-loi-em

Ngứa là một triệu chứng thường gặp nhất, trong đó mày đay là một trong những bệnh lý khiến người bệnh ngứa dữ dội, có mặt trong 10 bệnh lý thường gặp nhất tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM

 

-------------------

Bệnh viện Da Liễu - số 2 Nguyễn Thông, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.

Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638

Website: bvdl.org.vn

Thời gian khám bệnh của bệnh viện:

  • Từ thứ hai đến thứ sáu: Từ 6g00 đến 18g30 (KHÔNG NGHỈ TRƯA)

  • Thứ bảy: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 18g30

  • Chủ Nhật: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 15g00
  • Ngày Lễ, Tết: NGHỈ

Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng Bệnh viện Da Liễu TPHCM - Đăng ký Khám bệnh Online (App Store, Google Play)

Để xem được nhiều nội dung Truyền thông giáo dục sức khỏe về da liễu, hãy truy cập kênh Youtube của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM: https://www.youtube.com/channel/UCt4M5jArf_1Pf5CNWRYOGag

 

ĐỌC THÊM

TIN MỚI

31-08-2024 08:00:00
Thời gian gần đây, bệnh viện Da Liễu TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những trường hợp viêm da cơ địa với biến chứng rất nặng nề. Điều này đã khiến cho viêm da cơ địa vốn đã điều trị khó khăn, nay lại còn khó khăn và thách thức hơn nữa.
08-08-2024 10:45:00
Ở kỳ cuối series "Chăm sóc da theo từng nhóm tuổi", BS.CKII Trần Ngọc Phương - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM sẽ chia sẻ cho bạn cách chăm sóc da ở người từ 60 tuổi trở lên, mời bạn cùng xem nhé!
04-08-2024 09:00:00
Mụn trứng cá có thể xuất hiện ở tất cả độ tuổi, nhất là ở độ tuổi dậy thì, nhưng nếu biết chăm sóc da đúng cách sẽ xóa tan được nỗi lo này.
01-08-2024 16:00:00
Hãy cùng xem BS.CKII Trần Ngọc Phương - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM có những bí quyết nào trong chăm sóc da tuổi 50 nhé!
29-07-2024 18:00:00
Bệnh nhân nam 47 tuổi (ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) đến khám tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM trong tình trạng da vùng chân xuất hiện nhiều vết thương dài, mảng hồng ban sưng nề, có những vùng bị loét sâu kèm mủ vàng đục.
26-07-2024 20:00:00
Mọi người tắm biển cẩn thận bị sứa biển đốt nhé. Nhìn thôi đã thấy ám ảnh!
17-07-2024 16:30:00
Các bác sỹ khuyến cáo khi bị nhiễm độc tố của kiến ba khoang, người dân cần đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị đúng cách, hạn chế dùng các bài thuốc truyền miệng có thể khiến độc tố lây lan.
028.3930.8183
(trong giờ hành chính)
0975.609.166
(trong giờ hành chính)
bvdl.daotaolientuc@gmail.com

Đánh giá nội dung

OK
image doctor