Mụn là bệnh lý mạn tính của nang lông tuyến bã, một trong những bệnh phổ biến trên thế giới do có liên quan đến dày sừng nang lông và tăng tiết bã nhờn do kích thích từ androgen. Mụn có biểu hiện là các sang thương không viêm (nhân trứng cá đóng/mở), viêm (sẩn, mụn mủ, nốt, nang…) đi kèm các bất thường da khác ( tăng tiết dầu, thâm mụn, sẹo mụn…). Bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tăng tỷ lệ lo lắng, trầm cảm và ý tưởng tự tử.
Tùy vào độ nặng của mụn và nhu cầu của người bệnh, các điều trị hiện tại gồm có thuốc bôi như benzoyl peroxide (BPO), retinoids, axit salicylic, kháng sinh và axit azelaic..; thuốc uống như kháng sinh, isotretinoin, thuốc tránh thai kết hợp, Spironolactone..; các liệu pháp thẩm mỹ như peel da, ánh sáng LED, laser…
Spironolactone là một chất đối kháng thụ thể androgen và progesterone. Do đó spironolactone làm giảm tiết bã nhờn do ngăn chặn sự liên kết của dihydrotestosterone với thụ thể androgen trong tế bào tuyến bã. Mặc dù có bằng chứng hiệu quả, spironolactone uống vẫn ít dùng do có nhiều tác dụng phụ, bao gồm : hạ huyết áp, lợi tiểu, rối loạn kinh nguyệt, đau vú, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi và choáng váng, tăng kali máu… Các bằng chứng gần đây cho thấy spironolactone ở dạng bôi có hiệu quả tương tự như dạng uống, với tương đối ít tác dụng phụ hơn.
Bài systemic review của tác giả Rehan và cộng sự về bôi Spironolactone ở bệnh nhân mụn trứng cá cho thấy:
+Hiệu quả: Giảm đáng kể về sẩn mụn (p = 0.004), trứng cá đóng (p < 0.05), và số lượng sang thương mụn (p < 0.05). So với giả dược, bôi spironolactone 5% giúp giảm đáng kể số lượng sang thương (p = 0,007). Ngoài ra, spironolactone 2% cho thấy hiệu quả cao hơn so với clindamycin.
+An toàn: Không ghi nhận tác dụng phụ đáng kể lên độ ẩm da, bã nhờn, độ đàn hồi, melanin, và đỏ da (p > 0.05). Bôi spironolactone ít tác dụng phụ hơn các thuốc điều trị mụn đầu tay khác.
+Độ hài lòng: 97.1% cảm thấy hài lòng hoàn toàn hoặc 1 phần, chỉ 2.9% BN không hài lòng.
Vì là đường bôi nên khá an toàn. Tuy nhiên nên tránh dùng trên phụ nữ có thai và cho con bú
Tuy nhiên, cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn chưa đưa ra khuyến cáo gì về việc dùng spironolactone bôi để trị mụn. Cần nhiều nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn nữa trước khi dùng quyết định dùng spironolactone bôi trong trị mụn.
1. Halvorsen J, Stern R, Dalgard F, Thoresen M, Bjertness E, Lien L. Suicidal ideation, mental health problems, and social impairment are increased in adolescents with acne: a population- based study. J Invest Dermatol. 2011;131:363– 70.
2. Layton A, Eady E, Whitehouse H, Del Rosso J, Fedorowicz Z, van Zuuren E. Oral spironolactone for acne vulgaris in adult females: a hybrid systematic review. Am J Clin Dermatol. 2017;18:169– 91.
3. Rehan ST, Khan Z, Abbas S, Imran L, Munir S, Tahir MJ, Kheljee AZ, Eljack MMF, Ahmed A. Role of topical spironolactone in the treatment of acne: A systematic review of clinical trials-Does this therapy open a path towards favorable outcomes? J Dermatol. 2023 Feb;50(2):166-174.
LINK FULL BÀI BÁO CÁO: https://bvdl.org.vn/portal_bvdl/upload/files/files/BVDL-UNG-DUNG-SPIRONOLACTONE-TAI-CHO-DIEU-TRI-MTC-BS-CUONG.pdf
-------------------
Bệnh viện Da Liễu - số 2 Nguyễn Thông, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.
Hotline: 028.39308131 - 0901.365.638
Website: bvdl.org.vn
Thời gian khám bệnh của bệnh viện:
Từ thứ hai đến thứ sáu: Từ 6g00 đến 18g30 (KHÔNG NGHỈ TRƯA)
Thứ bảy: buổi sáng từ 7g30 đến 11g00, buổi chiều từ 13g00 đến 18g30
Ngày Lễ, Tết: NGHỈ
Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại: https://dalieu.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng Bệnh viện Da Liễu TPHCM - Đăng ký Khám bệnh Online (App Store, Google Play)
Để xem được nhiều nội dung Truyền thông giáo dục sức khỏe về da liễu, hãy truy cập kênh Youtube của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM: https://www.youtube.com/channel/UCt4M5jArf_1Pf5CNWRYOGag